Ung thư cổ tử cung đứng thứ hai trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong. Căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu tuân thủ sàng lọc định kỳ. Phát hiện sớm các thay đổi bất thường sẽ giúp điều trị kịp thời, giảm thiểu chi phí và hạn chế tử vong.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính phổ biến và đặc biệt nguy hiểm. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư thường gặp thứ 2 ở phụ nữ. Điều đáng ngại nhất là ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi thấy ra máu âm đạo bất thường hoặc ra máu khi giao hợp thì thường đã muộn. Khi đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, kể cả phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn mở rộng và phối hợp hóa chất, tia xạ cũng không mang lại hiệu quả điều trị cao.

Các giai đoạn phát triển của Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trung niên trong độ tuổi từ 35 đến 44. Bệnh hiếm khi ảnh hưởng đến phụ nữ dưới 20 tuổi và trên 65 tuổi. Việc sàng lọc, phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu giúp tỷ lệ điều trị khỏi là 80 - 90%. Tỷ lệ chữa khỏi giảm còn 75% ở giai đoạn 2; 30 - 40% ở giai đoạn 3 và dưới 15% ở giai đoạn 4. Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng nên chị em phụ nữ có thể chủ quan, không quan tâm đến bệnh.
Phụ nữ nên được sàng lọc ung thư cổ tử cung trong độ tuổi 21 - 65 tuổi, đã quan hệ tình dục, ưu tiên nhóm phụ nữ nguy cơ trong độ tuổi 30-50. Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi thực hiện xét nghiệm tế bào học mỗi 3 năm 1 lần. Không cần thiết xét nghiệm HPV ở phụ nữ 21-29 tuổi vì tần suất nhiễm chủng HPV sinh ung thư ở tuổi này khoảng 20%, hầu hết trường hợp nhiễm HPV sẽ biến mất mà không cần can thiệp. Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên thực hiện đồng thời xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm hoặc có thể xét nghiệm tế bào học mỗi 3 năm 1 lần.
Theo BSCKI. Tô Thị Bích Nga - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Hiện có 2 phương pháp tầm soát ung thư được sử dụng phổ biến là xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap (hay còn gọi là Pap smear). Bạn có thể chọn 1 trong 2 hoặc thực hiện đồng thời cả 2 phương pháp tùy thuộc vào độ tuổi mà bác sĩ sẽ cho lời khuyên để việc tầm soát để mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài khám sàng lọc, chị em có thể chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng việc tiêm vắc xin phòng HPV. Tiêm vắc xin được đánh giá là cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung an toàn và hiệu quả nhất. Vắc xin Gardasil và Gardasil 9 là hai loại vắc xin duy nhất hiện nay có thể phòng ngừa được các bệnh lý ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, ung thư âm hộ/âm đạo, u nhú sinh dục… do virus HPV ở trẻ em và người lớn.


Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám miễn phí phụ khoa và sàng lọc Ung thư cổ tử cung cho phụ nữ độ tuổi 21-65 tuổi tại xã Xuân An, Yên Lập

BSCK I. Tô Thị Bích Nga khám, tư vấn sàng lọc để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cho khách hàng tại PKĐK Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai dịch vụ xét nghiệm tầm soát sớm ung thư cổ tử cung, đặc biệt đã đưa phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung Pap smear vào quy trình tầm soát và chẩn đoán. Người dân có nhu cầu có thể đặt lịch khám ngay từ hôm nay bằng cách nhắn tin hoặc gọi đến số Hotline: 02103.868.889 / 0912.524.667./.
Đào Lan