Nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì
Có nhiều nguyên nhân gây thừa cân béo phì. Trong đó, nguyên nhân chính do chế độ ăn không hợp lý, ăn nhiều chất béo, chất ngọt và ăn quá nhiều so với nhu cầu cơ thể. Lối sống tĩnh tại, ít vận động hoặc không vận động cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng nguy cơ thừa cân- béo phì. Theo nghiên cứu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, có ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc - UNFPA, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Những người càng ít vận động thì càng có nhiều khả năng tăng cân vì họ tiêu hao ít năng lượng, không đốt cháy lượng thực phẩm và đồ uống mà họ đã sử dụng dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng. Lối sống lười vận động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư ruột kết và các vấn đề sức khỏe khác.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như môi trường, yếu tố kinh tế xã hội, yếu tố di truyền, tuổi tác… Một số vấn đề về nội tiết tố có thể gây thừa cân và béo phì, bao gồm suy giáp, hội chứng Cushing và hội chứng buồng trứng đa nang ...
Hậu quả của thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì có thể ảnh hưởng đến tim, phổi, khớp xương và xương. Có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như: Cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, tai biến mạch máu não, các bệnh hô hấp, bệnh tĩnh mạch, bệnh xương khớp, bệnh ung thư…
Thừa cân béo phì và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường:
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao có thể là do thừa cân. Những người có chỉ số khối cơ thể ( gọi tắt là BMI) là 25 có nguy cơ mắc tiểu đường cao gấp 5 lần. Những người có chỉ số BMI là 30 có nguy cơ mắc tiểu đường cao gấp 28 lần. Những người có chỉ số BMI từ 35 trở lên có nguy cơ mắc tiểu đường cao gấp 93 lần. Hơn nữa, những người vòng eo lớn hơn 40cm làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả sau khi chỉ số BMI đã được kiểm soát.
Thừa cân béo phì và nguy cơ mắc bệnh ung thư:
Gần đây, mối liên hệ giữa thừa cân béo phì với ung thư đã được Calle và Thun nghiên cứu. Kết quả cho thấy ở những người béo phì, nguy cơ ung thư đại trực tràng tương đối dao động từ 1,5 đến 2,0 ở nam giới và từ 1,2 đến 1,5 ở nữ giới. Các nghiên cứu về ung thư vú đã được xác nhận chỉ ra rằng nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ béo phì sau mãn kinh tăng 30-50%. Mỗi năm có khoảng 90.000 ca tử vong do ung thư gây ra bởi béo phì. Đây là một chỉ số quan trọng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này đối với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong gia tăng trong dân số. Do đó, phòng chống béo phì có thể giảm thiểu đáng kể các sự cố ung thư ở cả nam và nữ vì người ta đánh giá rằng tình trạng này có thể gây ra 20% ca tử vong do ung thư ở phụ nữ và 14% ở nam giới .
Thừa cân, béo phì và thoái hóa cơ xương khớp.
Người thừa cân, béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống tổn thương sớm nhất. Người thừa cân béo phì dễ mắc bệnh gout.
Thừa cân, béo phì và bệnh lý tim mạch
Người béo phì thường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu hay thường gọi là bệnh mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Khi cholesterol cao, gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Mặt khác, ở người béo phì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài gây quá tải cho tim, do đó ở người béo phì dễ mắc các bệnh về tim mạch. Hiện tại, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân, trong đó rất nhiều ca là biến chứng của bệnh béo phì.
Để phòng tránh thừa cân, béo phì, chúng ta cần:
Thay đổi chế độ ăn :
* Nhóm tinh bột: Trong khẩu phần ăn hàng ngày cần cân đối, đa dạng các loại thực phẩm. Hạn chế bột đường hấp thu nhanh như: cơm gạo trắng, xôi nếp, bánh mì trắng, mì, các loại đồ ngọt chứa đường như bánh kẹo, mật ong, si rô, nước ngọt, kem, chè… Thay thế bằng các loại bột đường hấp thu chậm giàu chất xơ giúp no lâu như cơm gạo lức, yến mạch, lúa mạch, bánh mì đen, khoai, bắp ... Hạn chế các món rán, xào, nên ăn các món luộc, hấp. Nên nhai kỹ và ăn chậm.
* Nhóm chất đạm: Tăng cường ăn cá, hải sản. Chọn thịt nạc, cá, tôm tép, đậu nành, đậu đỗ, nấm, rong biển… Ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Chọn sữa đậu nành không đường, sữa tươi tách béo và không đường, sữa chua không đường.
* Nhóm chất béo: Chọn chất béo tốt từ mỡ cá, dầu thực vật (như dầu nành, dầu mè, dầu ô liu…), hạt có dầu (như hạt điều, đậu phộng…). Hạn chế chất béo no và chất béo không bão hòa từ mỡ thịt, chân giò, da, phủ tạng, bơ, sữa nguyên kem, margarin, dầu dừa, dầu cọ, thức ăn nhanh chiên rán…
* Nhóm vitamin và khoáng chất: Tăng cường ăn rau xanh và các loại hoa quả: ưu tiên chọn rau lá xanh và củ quả ít ngọt (như bưởi, táo, cam, dâu, mận, ổi, thanh long…), hạn chế củ quả có chỉ số đường cao (như khoai tây, nhãn, mít, sầu riêng, sa bô chê, chuối chín …).
Nên ăn đều đặn, đúng giờ, không bỏ bữa, không để quá đói, hay cắt bỏ các nhóm thực phẩm thiết yếu như nhóm chất đạm, chất béo tốt, rau trái,… trong khẩu phần. Vì nếu bị quá đói sẽ ăn nhanh, ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn. Hạn chế số bữa ăn trong ngày (3 bữa là đủ), hạn chế ăn sau 20h tối.
Tăng cường hoạt động thể lực:
Thể dục đúng cách để giảm cân hay phòng chống thừa cân, béo phì đòi hỏi sự kiên trì, đúng phương pháp, thời gian. Người tập cần lựa chọn cho mình môn thể thao phù hợp. Người lớn trung bình nên vận động tối thiểu 5 ngày/tuần với 30 - 40 phút mỗi ngày hoặc chia nhiều lần trong ngày, mỗi lần tối thiểu 10 phút. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, trung bình 60 phút/ngày. Bên cạnh đó, thời gian ngồi, sử dụng máy vi tính, xem tivi, điện thoại, chơi games, không nên quá 120 phút/ngày. Ở người thừa cân, béo phì, thời gian thực hiện các hoạt động thể lực không những đạt được ở mức khuyến nghị mà còn cần cố gắng giành thời gian hoạt động thể lực nhiều hơn và thực hiện các hoạt động thể lực ở mức gắng sức vừa và nặng nhiều hơn.
Với đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm, được đào tạo chuyên ngành Dinh dưỡng, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp các dịch vụ khám và tư vấn dinh dưỡng dành cho trẻ em, người lớn, phù hợp với các yêu cầu đa dạng của khách hàng. Tại đây, các bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán chính xác các bệnh liên quan đến dinh dưỡng và tư vấn cách chăm sóc dinh dưỡng cho khách hàng một cách toàn diện nhất: GIÚP MỌI NGƯỜI CÓ MỘT CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ, CHẾ ĐỘ SINH HOẠT LÀNH MẠNH ĐỂ CÓ MỘT CUỘC SỐNG KHỎE MẠNH HƠN.
----------------------------------------------------------------------
PHÒNG KHÁM DINH DƯỠNG - TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Trần Phú, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Số điện thoại liên hệ: 0983170212

Với đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm, được đào tạo về chuyên ngành Dinh dưỡng ...

... cùng nhân viên y tế tận tỉnh ...

Phòng khám tư vấn dinh dưỡng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn là điểm đến của người dân trên địa bàn tỉnh

Thạc sĩ Dinh dưỡng. Trương Thị Thu Hường Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ