Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trong đó, việc bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu. Các cấp, các ngành đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 10 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em xảy ra 2.326 vụ làm chết 878 người, bị thương 2.266 người. Mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tỷ lệ nạn nhân tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh, sinh viên vẫn còn cao, đặc biệt còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh. Để giảm thiểu, phòng tránh tai nạn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, gia đình, nhà trường và học sinh cần lưu ý những điểm dưới dây để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh:
1. Đối với học sinh:
- Chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông
- Không điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, khi không có giấy phép lái xe
- Không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng
- Không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện
- Không chở quá số người quy định, không dàn hàng ngang, không đua xe, cổ vũ đua xe trái phép
- Cần đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông
- Không lái xe khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn
2. Đối với phụ huynh và nhà trường:
- Hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các em học sinh, sinh viên thông qua các buổi ngoại khóa, mô hình giao thông học đường, thi tìm hiểu Luật giao thông
- Thường xuyên nhắc nhở các em nghiêm túc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông
- Quản lý sát sao, không giao phương tiện giao thông cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện
Việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh không chỉ là nhiệm vụ của riêng nhà trường hay gia đình, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trang bị kiến thức và kỹ năng giao thông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp các em tự bảo vệ mình trước những rủi ro trên đường, hình thành thói quen ứng xử có văn hóa, từ đó góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và đầy trách nhiệm cho hôm nay và mai sau./.
Khánh Ngọc tổng hợp