Bà Nguyễn Thị H., thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê đưa cháu nội mới 2 tuổi nhập viện tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê sau nhiều ngày bị ho, sốt, đã uống thuốc nhưng không khỏi. Tại đây, cháu được chẩn đoán viêm phổi, cần phải theo dõi, chăm sóc tích cực. Điều đáng nói, trong gia đình bà H. có con trai và chồng bà hút thuốc lá, thuốc lào hằng ngày, khiến cho con trẻ không tránh khỏi việc hút thuốc lá thụ động. Bà cho biết: “Cháu tôi từ khi sinh ra rất hay bị ho, viêm phế quản, viêm phổi và đi viện thường xuyên, mỗi đợt điều trị kéo dài từ 7-10 ngày rất tốn kém. Sau khi bác sĩ tư vấn, tôi mới biết là khói thuốc lá khiến cháu dễ bị bệnh và bệnh thường lâu khỏi”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát, hướng dẫn xây dựng trường học không khói thuốc tại Trường THPT Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Theo các chuyên gia y tế, trẻ sống trong môi trường thường xuyên có khói thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, trong đó có những bệnh nghiêm trọng. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh, hút thuốc lá thụ động sẽ tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi, làm trẻ thường xuyên bị ho, sổ mũi. Ước tính mỗi năm, nước ta có khoảng 150 nghìn - 300 nghìn trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những trường hợp khác. Nguy cơ lên cơn hen hằng ngày tăng gấp 2 lần. Số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc lá.

Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị các bệnh lý đường hô hấp (Trong ảnh: Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi bị viêm phế quản điều trị tại Trung tâm)
BSCKI. Trương Kim Thiện – Trưởng Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết: “Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn non yếu, chưa hoàn thiện, rất nhạy cảm với khói bụi bên ngoài, nhất là khói thuốc lá. Việc hút thuốc lá thụ động kéo dài, lâu ngày sẽ gây tổn thương niêm mạc đường thở của trẻ, gây ra các bệnh lý mạn tính về hô hấp. Ngoài hệ hô hấp, các cơ quan khác như tim, não của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên việc hít khói thuốc lá thụ động lâu dài có thể gây ra những ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ”.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá
Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện cao, gây hại lớn đến sự phát triển não bộ trẻ em. Nicotine gây nên những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần. Đặc biệt, khi đứa trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá thì nguy cơ trẻ trở thành người nghiện thuốc lá khi trưởng thành cũng sẽ cao hơn. Phơi nhiễm với các chất độc hại có trong thuốc lá cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch…

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá
Trước những nguy cơ đáng báo động đối với trẻ em phải sống trong môi trường khói thuốc lá, mọi ông bố, bà mẹ cần nhận thức rõ vấn đề này để đảm bảo một môi trường sống an toàn cho con. Muốn làm được điều đó thì trước hết người hút thuốc lá chủ động phải sớm từ bỏ thói quen hút thuốc hoặc có ý thức hút thuốc ngoài không gian sống của gia đình, đặc biệt là tránh xa trẻ em, phụ nữ mang thai, người già. Đối với những gia đình có người hút thuốc, cần thống nhất về những quy định đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình./.
Hiền Nguyễn